Sự ra đời và phát triển của tổ chức Công đoàn Đắk Lắk
Ngày đăng: 13/04/2013 14:47
Ngày đăng: 13/04/2013 14:47
1- Sự ra đời và phát triển của tổ chức Công đoàn tỉnh Đắk Lắk.
a. Sự hình thành tổ chức công đoàn trong tỉnh giai đoạn trước năm 1975.
Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp nổ súng vào Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) mở đầu chính thức xâm lược Việt Nam. Quá trình thực dân Pháp xâm chiếm, thiết lập bộ máy thống trị, tiến hành khai thác vùng đất Đắk Lắk, lập các đồn điền cao su và cà-phê, xây dựng những cơ sở hạ tầng như giao thông, các công sở, dinh thự, đồn bốt, trường học, nhà thương, công trình điện nước... Theo đó, những bộ phận công nhân ngành giao thông vận tải, công nhân xây dựng, công nhân bưu điện ra đời đầu tiên ở Đắk Lắk, vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với thành phần ban đầu là công nhân chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp hoặc công nhân công nhật. Cùng với công nhân ngành giao thông công chính, đội ngũ công chức cũng được hình thành với lực lượng lúc đầu chủ yếu là người Kinh, thuộc các tỉnh Trung kỳ được điều động, bổ nhiệm lên. Lực lượng công nhân đồn điền ra đời khoảng từ năm 1923, và số lượng tăng nhanh cùng với việc các đồn điền được hình thành hàng loạt, thu hút nhiều nhân công. Năm 1925, có khoảng hơn 1.000 công nhân chuyên nghiệp và hàng nghìn công nhân thời vụ, những năm 1941 - 1942 đã có tới 7.000 công nhân thường trực làm việc trên các đồn điền lớn; đến năm 1946 có trên 1 vạn công nhân chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp; năm 1975, lực lượng công nhân Đắk Lắk đã lên đến 1,5 vạn người.
- Về tổ chức Công đoàn: theo tài liệu ''Lịch sử phong trào công nhân, công đoàn tỉnh Đắk Lắk'' xuất bản năm 1997 thì tổ chức Công đoàn tỉnh Đắk Lắk đã hình thành từ những năm 1971 - 1972, phong trào công nhân toàn tỉnh đã có những bước phát triển mới. Tại các đồn điền, ta đã xây dựng được 3 chi bộ dự bị với 9 đảng viên ( chủ yếu là đảng viên dự bị), kết nạp được 15 đoàn viên Công đoàn giải phóng, lập 3 đội bảo vệ đấu tranh của công nhân, 4 Ban đại diện công nhân. Ban Công vận tỉnh đã có đảng viên và cốt cán phụ trách công tác Công vận ở 11 đồn điền, có cơ sở ở 26 đồn điền, có mối liên lạc với 15 đồn điền khác. Trong đó, đã nắm chắc 37 cơ sở với 608 công nhân, 451 lao động chính. Đến tháng 6/1972, Ban công vận tỉnh đã có chi bộ gồm 6 đảng viên, có 40 đoàn viên công đoàn ở vùng địch kiểm soát.
Đến đầu năm 1974, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 27 - 28 CĐCS tập trung chủ yếu ở một số đồn điền cà phê, cao su như: Đồn điền Đê-ki-pha-nô (có một công đoàn cơ sở, 18 đoàn viên), đồn điền Tôn Thất Thuyết ( một công đoàn cơ sở, 4 đoàn viên), đồn điền Tôn Trọng Sửu (có một đảng viên, một công đoàn cơ sở 13 đoàn viên), đồn điền Đặng Thanh An (có một công đoàn cơ sở, 4 đoàn viên), đồn điền Mỹ Cảnh, đồn điền Ba Tư, đồn điền Dương Văn Minh...
Như vậy, trước năm 1975, chưa có tổ chức CĐ cấp trên như CĐ huyện, thị xã, CĐ ngành, công đoàn tỉnh mà chỉ có một số công đoàn cơ sở.
2. Giai đoạn 1975 - 1976.
- Sau chiến thắng 10/3/1975, Đắk Lắk được hoàn toàn giải phóng. Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tập trung xây dựng kinh tế - xã hội, ổn định an ninh - quốc phòng, chăm lo đời sống cho công nhân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
- Về tổ chức Công đoàn, đẩy mạnh công tác Công vận và nhanh chóng tập hợp lực lượng công nhân lao động, Khu uỷ khu V đã thành lập các đoàn công tác, trong đó có cả cán bộ Công vận tăng cường cho các tỉnh trong khu.
- Tại Đắk Lắk, bộ phận cán bộ Công vận của tỉnh đầu tiên vào thị xã có các đồng chí A Ma Nga, Lê Tấn Toà, Nguyễn Tuấn Sang .... và làm việc tại nhà số 80 phố Quang Trung. Sau đó Tỉnh uỷ đã kiện toàn Ban Công vận tỉnh gồm đồng chí Đỗ Việt Thanh (Trưởng Ban), Trần Anh Tuấn, Nguyễn Tới (Uỷ viên) và các cán bộ như Y Sai, Bùi Tuấn Sang, Trần Văn, Nguyễn Thị Bính, Nguyễn Thị Sâm.... Ngôi nhà số 07 Phan Chu Trinh được giao làm trụ sở công đoàn, khu nhà đồn điền cây số 3 giao cho Công đoàn làm Nhà nghỉ cho cán bộ công nhân viên. Nhiệm vụ lúc bấy giờ của Công đoàn Đắk Lắk được Tỉnh uỷ xác định là: Tập hợp công nhân, viên chức, trước hết là công nhân viên chức các ngành điện, nước, giao thông vận tải để phục vụ nhiệm vụ ổn định tình hình trước mắt, khắc phục hậu quả chiến tranh trong các thị xã, thị trấn, khu dân cư và phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
- Ngày 12/7/1975, được sự chỉ đạo của Khu uỷ khu V và Công đoàn giải phóng khu V, Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã ra Quyết định số 10/QĐ/TU về việc thành lập "Ban vận động thành lập Công đoàn tỉnh Đắk Lắk" trên cơ sở tổ chức của Ban Công vận tỉnh và Công đoàn giải phóng. Kể từ khi thành lập đến tháng 12/1976, toàn tỉnh đã xây dựng được 7 công đoàn ngành, 6 công đoàn huyện, thị xã, 86 công đoàn cơ sở với 3.600 đoàn viên công đoàn.
3. Các sự kiện đáng ghi nhớ của tổ chức công đoàn Đắk Lắk từ khi thành lập đến nay
a) Quyết định của Tổng Công đoàn VN về việc chỉ định BCH Liên hiệp công đoàn lâm thời tỉnh.
- Trong hai năm 1975 - 1976 các cấp công đoàn trong tỉnh đã nhanh chóng được hình thành đã thúc đẩy sự cần thiết phải thành lập Công đoàn cấp tỉnh. Ngày 27-01-1977, Tổng Công đoàn Việt Nam đã ra Quyết định số 104/QĐTLĐ chỉ định Ban chấp hành lâm thời Liên hiệp Công đoàn tỉnh Đắk Lắk gồm 9 đồng chí, gồm: Đỗ Việt Thanh, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Tới, Lê Tấn Toà, Nguyễn Tấn Sang, Trần Huỳnh Điểu, Ánh Nắng Thu, Mai Tý Hoà, Đặng Thị Thu Yến. Đồng chí Đỗ Việt Thanh làm Thư ký, đồng chí Trần Anh Tuấn và Nguyễn Tới là uỷ viên thường vụ. Hệ thống tổ chức công đoàn gồm 86 CĐ cơ sở; 7 CĐ ngành địa phương, 6 CĐ huyện, thị với 3.600 đoàn viên công đoàn.
Bộ máy tổ chức đầu tiên của cơ quan Liên hiệp Công đoàn tỉnh cũng được hình thành gồm 8 Ban: Ban Tuyên giáo (2 cán bộ), Ban Thi đua (2 cán bộ), Ban Tổ chức (1 cán bộ), Ban Kiểm tra (2 cán bộ), Ban Nữ công (2 cán bộ), Ban Bảo hiểm Xã hội (3 cán bộ), Ban Đời sống Lao động Tiền lương (1 cán bộ), Văn Phòng tổng hợp (3 cán bộ, 7 nhân viên). Ngôi nhà số 7 đường Phan Chu Trinh là trụ sở công khai của Liên hiệp Công đoàn giải phóng Đắk Lắk. Các đơn vị trực thuộc như Trường công đoàn, Câu lạc bộ lao động, Nhà nghỉ công đoàn cũng đã được hình thành.
b) Các kỳ Đại hội Công đoàn tỉnh Đắk Lắk:
Với sự phát triển của đội ngũ CNVC, LĐ và các cấp công đoàn trong tỉnh, để khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị-xã hội, đồng thời đảm bảo nguyên tắc về mặt tổ chức, thể hiện quyền dân chủ của đoàn viên và tổ chức công đoàn các cấp trong việc kiện toàn, xây dựng bộ máy Ban chấp hành Liên hiệp công đoàn tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới thay cho Ban chấp hành lâm thời do Tổng Công đoàn Việt Nam chỉ định. Tỉnh uỷ Đắk Lắk và Tổng Công đoàn Việt Nam đã chỉ đạo Ban chấp hành lâm thời Liên hiệp Công đoàn tỉnh tổ chức Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ Nhất.
- Đại hội đại biểu Liên hiệp công đoàn tỉnh Đắk Lắk lần thứ I, nhiệm kỳ 1977 – 1981: Diễn ra trong các ngày từ 12 - 15 tháng 7 năm 1977 tại thị xã Buôn Ma Thuột. Dự Đại hội có 223 đại biểu chính thức thay mặt cho 6.690 đoàn viên công đoàn và 17.000 công nhân viên chức toàn tỉnh. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Liên hiệp công đoàn tỉnh khóa I gồm 47 đồng chí. Đồng chí Đỗ Việt Thanh được bầu làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh, đồng chí Trần Anh Tuấn, Nguyễn Tới được bầu làm Phó Thư ký.
Đại hội đã đánh giá tình hình phong trào công nhân và công đoàn Đắk Lắk lúc bấy giờ và đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu của phong trào công nhân viên chức lao động và tổ chức Công đoàn Đắk Lắk nhiệm kỳ 1977-1981. Đại hội đại biểu lần thứ nhất công đoàn Đắk Lắk là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước trưởng thành về mặt tổ chức của công đoàn và phong trào công nhân viên chức trong tỉnh.
- Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ II: Diễn ra từ ngày 11-12/3/1981. Dự Đại hội có 256 đại biểu chính thức đại diện 29.678 đoàn viên công đoàn thuộc 300 CĐCS và 45.100 CNVC, LĐ. Đại hội bầu BCH gồm 32 uỷ viên, trong đó Ban Thường vụ có 9 uỷ viên, Đồng chí AMa Zú ( tức Võ Ngọc Châu) - uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ được bầu làm Thư ký Liên hiệp công đoàn tỉnh. Đại hội đã phát động phong trào “Công nhân viên chức thi đua phục vụ nông nghiệp”. Mục tiêu đại hội đề ra là: Phát huy quyền và trách nhiệm làm chủ tập thể, nêu cao ý thức tự lực tự cường, tổ chức phong trào thi đua của CNVC hoàn thành kế hoạch Nhà nước và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; chăm lo đời sống CNVC, xây dựng tổ chức, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đổi mới nếp nghĩ, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn từ tỉnh xuống cơ sở.
Được tổ chức từ ngày 7-8/9/1983. Dự Đại hội có 243 đại biểu chính thức đại diện 39.000 đoàn viên công đoàn thuộc 361 CĐCS và 56.780 CNVCLĐ. Đại hội đã bầu BCH gồm 37 uỷ viên, Ban Thường vụ 9 uỷ viên. Đồng chí Nguyễn Đình Cư - Tỉnh uỷ viên, được bầu làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh. Phong trào thi đua sôi nổi nhất trong thời kỳ này là phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhằm khắc phục thiếu thốn vật tư, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu để duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Mục tiêu Đại hội đề ra là: Giáo dục CNVC nhận thức ý nghĩa quan trọng của sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với CNVC, nhất là công nhân sản xuất nông nghiệp; chống tiêu cực, bảo vệ sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 25/11/1986, tại Hội nghị Ban Chấp hành bất thường (Khoá III), Đồng chí Hà Ngọc Đào, Tỉnh uỷ viên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo được Hội nghị bầu làm Thư ký, thay cho Đồng chí Nguyễn Đình Cư được chuyển công tác sang Ban Kinh tế Tỉnh uỷ.
- Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 1988 - 1993: được diễn ra từ ngày 8-9/10/1988. Dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức đại diện 60.000 đoàn viên công đoàn thuộc 628 CĐCS và 112.770 CNVCLĐ. Đại hội bầu Ban chấp hành khoá IV gồm 40 uỷ viên, trong đó Ban Thường vụ có 9 uỷ viên. Đồng chí Mai Văn Năm, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ được bầu làm Thư ký (Sau Đại hội VI Công đoàn Việt Nam tháng 10/1988, được gọi là Chủ tịch; Liên hiệp công đoàn tỉnh cũng được đổi tên thành Liên đoàn Lao động tỉnh). Phong trào thi đua nổi bật trong thời kỳ 1988-1993 là “Động viên công nhân viên chức phát huy quyền làm chủ và đi đầu trong công cuộc đổi mới cơ chế quản lý”. Mục tiêu Đại hội đề ra là: Phát huy quyền làm chủ và đi đầu trong công cuộc đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh; chăm lo đời sống, bảo vệ lợi ích chính đáng của CNVC; thực hiện thắng lợi các cuộc vận động lớn của Đảng; nâng cao cảnh giác, chống mọi âm mưu phá hoại của địch, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Ngày 20/1/1992, Hội nghị Ban Chấp hành khoá IV, lần thứ IV đã bầu đồng chí Lê Thân làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thay đồng chí Mai Văn Năm chuyển công tác khác.
- Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 1993-1998 : được tổ chức từ ngày 26-27/5/1993. Dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức đại diện 69.816 đoàn viên công đoàn thuộc 723 CĐCS và 74.500 CNVCLĐ. Đại hội bầu BCH gồm 35 uỷ viên, trong đó Ban Thường vụ 7 uỷ viên. Đồng chí Lê Thân, Tỉnh uỷ viên được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Phong trào thi đua nổi bật trong thời kỳ 1993-1998 là “Phong trào thi đua lao động giỏi’’. Mục tiêu Đại hội đề ra là: Hướng dẫn cho CNLĐ hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu chính đáng, hợp pháp của CNLĐ, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới.
- Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 1998 - 2003: Được tổ chức từ ngày 2-3/7/1998. Dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức đại diện 80.000 đoàn viên công đoàn thuộc 1.158 CĐCS và 83.116 CNVCLĐ. Đại hội bầu BCH gồm 35 Uỷ viên, Ban Thường vụ 9 uỷ viên. Đồng chí Nguyễn Văn Sự - Tỉnh uỷ viên được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Mục tiêu Đại hội đề ra là: "Vì sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, vì tương lai phát triển vững chắc của tỉnh nhà, vì việc làm, đời sống và quyền dân chủ của CNVC-LĐ, xây dựng GCCN và tổ chức CĐ vững mạnh".
- Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2003 - 2008: Diễn ra từ ngày 25 -27/6/2003. Dự Đại hội có 242 đại biểu chính thức đại diện cho gần 100 ngàn đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ. Đại hội bầu BCH gồm 37 uỷ viên, Ban Thường vụ 11 uỷ viên. Đồng chí Đinh Kim Anh - Tỉnh uỷ viên được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Mục tiêu của nhiệm kỳ này là: "CĐ chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ; đẩy mạnh phát triển đoàn viên và tổ chức CĐ trong các thành kinh tế, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tích cực góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; phát động các phong trào hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả trong CNVC, LĐ; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh".
Năm 2007, được sự nhất trí của Tỉnh ủy và Tổng Liên đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã quyết định lấy ngày 27-01-1977 (ngày thành lập BCH lâm thời LHCĐ tỉnh) làm Ngày thành lập Công đoàn tỉnh Đắk Lắk.
- Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2008 - 2013: Được tổ chức từ ngày 06 -07/5/2008. Tham dự, có 233 đại biểu chính thức đại diện cho trên 85 ngàn CNVCLĐ của tỉnh. Đại hội đã bầu BCH gồm 35 uỷ viên, Ban Thường vụ 11 uỷ viên. Đồng chí Đinh Kim Anh, Tỉnh uỷ viên được bầu làm Chủ tịch. Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của nhiệm kỳ với Khẩu hiệu hành động: "Vì quyền, lợi ích người lao động, vì sự phát triển bền vững của tỉnh Đắk Lắk, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh”. Mục tiêu phương hướng tổng quát: “Tập trung chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; tham gia quản lý, phát huy dân chủ cơ sở; tăng cường các hoạt động tương trợ trong CNVCLĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục và đào tạo nghề cho công nhân; tích cự xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn, xây dựng tổ chức Đảng, cơ quan và doanh nghiệp vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Ngày 25/11/2010, Hội nghị Ban Chấp hành khoá VIII, kỳ họp bất thường đã bầu đồng chí Y Khút Niê làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khoá VIII, thay đồng chí Đinh Kim Anh nghỉ hưu.
- Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2013 - 2018 sẽ diễn ra từ ngày 19 - 21/3/2013 tại thành phố Buôn Ma Thuột với khẩu hiệu “Tiếp tục đổi mới hoạt động công đoàn; vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự ổn định và phát triển bền vững của tỉnh Đắk Lắk”.
Trong nhiệm kỳ mới, hoạt động công đoàn và Phong trào CNVCLĐ tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của giai cấp công nhân, xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh. Làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ công nhân - viên chức thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào hành động cách mạng; quan tâm phát triển tổ chức CĐ. Thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công nhân, viên chức, đội ngũ trí thức và người lao động. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”.
Trải qua 36 năm xây dựng và phát triển, với 9 kỳ Đại hội, Công đoàn Đắk Lắk đã không ngừng lớn mạnh về về quy mô tổ chức và chất lượng hoạt động. Vinh dự được Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn tặng nhiều cờ, bằng khen. Đặc biệt, năm 1983, Công đoàn Đắk Lắk vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 1998: Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2003: Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2010 được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Qua đó, khẳng định, Công đoàn Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong việc củng cố, xây dựng tổ chức. Phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn toàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của tỉnh; là nền móng vững chắc cho hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2013-2018.
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH ĐẮK LẮK
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0